Đình Vạn Thuỷ Tú, nơi yên nghỉ của Thần Nam Hải
Từ lâu đời, tục thờ Cá Ông là tín ngưỡng của người Chăm. Thế nhưng, tại Bình Thuận, tục thờ Cá Ông đã bị bản địa hóa, biến thành tín ngưỡng của riêng người Việt và người Hoa sinh sống tại địa phương. Có một nơi, thờ vị Thần Nam Hải, đó là Đình Vạn Thuỷ Tú
Vạn Thuỷ Tú – đôi nét sơ lược
Vạn Thuỷ Tú toạ lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết. Là nơi thờ thần Nam Hải, tức Cá Ông. Đình được xây dựng vào năm 1762 (Nhâm Ngọ), mặt hướng ra biển Đông.
Vạn làng Thủy Tú là một trong những vạn cổ xưa nhất của nghề biển ở Bình Thuận. Bên trong vạn có nhiều di sản văn hóa Hán-Nôm liên quan đến nghề biển. Thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liên đối, trên văn khắc của đại hồng chung.
Năm 1996, Vạn Thủy Tú đã được Nhà nước Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Kiến trúc ngôi Đình
Các vạn thường được xây dựng ngay sát bờ biển của các làng chài. Đình này được ngư dân làng Thuỷ tú xây dựng với chính điện, nhà thờ Tiền Hiền, Võ Ca được bố trí theo hình chữ Tam, mặt chính quay về hướng Đông. Khi vừa mới xây dựng, cửa đình sát ngay bờ biển, ngày nay bờ biển đã dời xa ra ngoài hơn 100 m.

Vạn có kiến trúc nhỏ, thường thấy ở những đình khu vực miền Trung, nhưng bên trong có nhiều điểm khác biệt. Hương án chính giữa đình thờ Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần. Bên trái thờ Thuỷ Long Thánh Phi nương nương tôn thần; bên phải thờ Thánh Hiệu tiên sư tôn thần. Cạnh chính điện còn có miếu thờ đức Quan Thánh.
Vạn làng Thủy Tú là một trong những vạn cổ xưa nhất của nghề biển ở Bình Thuận. Bên trong vạn có nhiều di sản văn hóa Hán-Nôm liên quan đến nghề biển. Thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liên đối, trên văn khắc của đại hồng chung.
Tục thờ cá Ông
Tục thờ cá Ông (tức cá voi, cá heo, cá nhà táng và các loại cá lớn nói chung) là một tín ngưỡng dân gian vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đây là tín ngưỡng của cư dân vùng biển, hay còn gọi là vạn chài. Cá Ông ở đây là cá voi lưng xám, mà theo ngư dân chính là thần Nam Hải. Ngư dân thường thờ Cá Ông cùng các vị thần khác đã giúp đỡ và phù hộ cho ngư dân no ấm như: Ngũ Hành Nương Nương, Hữu Lý Ngư, Tả Lý Lịch, v.v.
Đối với người Chăm, Cá Ông là một vị thần của Biển Đông, được nhân dân kính cẩn. Đối với người Việt và người Hoa, Cá Ông chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm (hay Nam Hải Bồ tát) quăng xuống biển để cứu giúp ngủ dân trong cơn giông tố giữa biển. Mục đích của tục thờ cá Ông hình thành để cầu yên cho các ngư dân ra khơi đánh cá và mong được mẻ cá lớn. Tục này thời Gia Long đã thành lệ.
Tín ngưỡng trong tục thờ cá Ông
Theo lệ xưa, dân chài ai phát hiện được cá voi mắc cạn, tục gọi là “ông lị”. Người đó phải có bổn phận chôn cất, để tang Ông như để tang cha mẹ. Xác cá được tắm bằng rượu, rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy vải đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, đem phơi khô, đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá sau đó được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện ra cá voi mắc cạn thì được người dân tôn sùng. Dưới triều Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.

Hàng năm dân làng chọn ngày “ông lị” (ngày cá Ông trôi vào bờ) làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. Người địa phương có câu: “Thấy ông vào làng như vàng vào tủ”. Vì theo tín ngưỡng này, Cá Ông lị và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi.
Ba bốn năm sau khi chôn thì dân làng phải cải táng. Thường làm vào mùa xuân sang hè rồi đem cốt cho nhập lăng và tế chung. Đối với xương cá Ông to lớn thì dân làng sẽ chờ đủ 3 năm cho xương cốt rã ra rồi mới đem vào hòm để đưa về làng thờ. Với trường hợp cá nhỏ, sẽ cho trực tiếp vào hòm và đem về thờ. Khi tế cá thì dân làng cũng cúng các vong hồn ngư dân chết ngoài biển. Tế xong thì có các mục mua vui như hát “chèo ghe”, đua thuyền thúng, kéo co, hát tuồng cùng các trò khác.

Sắc phong dưới các triều vua
Vạn Thủy Tú là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị Vua Triều Nguyễn ban tặng. Bởi, vì trước đây, trong chiến tranh phong kiến với nghĩa quân Tây Sơn, các tướng lĩnh nhà Nguyễn đã nhiều lần được cá voi cứu nạn trên biển.

Có tất cả 24 sắc phong của các đời vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định, (riêng Vua Thiệu Trị ban tặng 10 sắc Thần, đây là điều hiếm thấy so với các di tích khác).
Ngọc Liên tổng hợp và biên soạn