Cảng Cồn Chà – Khi ánh mặt trời lên
Cảng Cồn Chà – biểu tượng tồn tại mãi với thời gian:
Nằm khoắc khoải về phía Đông thành phố, cảng Phan Thiết có tên gọi khác là cảng Cồn Chà. Không ai biết chính xác thời điểm ra đời của địa danh “Cồn Chà” ở xứ biển Phan Thiết. Song có thể đoán rằng, nó đã tồn tại hàng trăm năm qua. Khi những lưu dân miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp thế kỷ XVII, họ không quên mang theo nghề truyền thống của vùng quê cũ. Hình thành nên những cộng đồng ngư dân lâu đời dọc bờ biển Bình Thuận.
Cảng Cồn Chà thuộc Đức Thắng, nằm phía hữu ngạn dòng Cà Ty, nơi sông đổ ra biển. Theo tư liệu xưa, dân Cồn Chà phần lớn có gốc Quảng Bình, di cư vào khẩn hoang lập làng ở Phan Thiết đã đem nghề chà vào đây. Bởi dân cư chuyên làm nghề chà, nên từ đó thành tên gọi. Đây cũng là nơi phát triển nghề chà mạnh nhất ở Phan Thiết.
“Chà” – cái tên, cái nghiệp làm nên truyền thống
Tra vào từ điển tiếng Việt, trong cuốn “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của từ năm 1895 đã ghi nhận từ “chà” như một phương tiện nhử, bắt cá. Hay nói rõ hơn, thì chà là có kết cấu gồm: sọt đá làm neo, dây buộc lá dừa cho cá vào trú ẩn, và có những cây tre cắm giữa gốc chà làm điểm đánh dấu. Nếu đi trên biển sẽ thấy như “mọc” lên từ nước – để làm phao, báo hiệu quyền sở hữu, đánh dấu vị trí chà. Lúc đầu gọi là xáng chà, sau gọi gọn chỉ duy nhất một từ “chà”
Chà sau khi thả, người ngư dân phải tu bổ nó thường xuyên. Cội chà là những gốc chà nhiều cá, là tồn tại lâu năm. Có những cội chà “tuổi đời” đã hàng chục năm. Vùng biển thả chà truyền thống của ngư dân thường có đáy là rạn đá thấp hay bãi sỏi. Từ chỗ chú ý đến đặc tính thích sinh sống ở các xác tàu, hang hốc, đá ngầm… của các loài cá. Ngư dân đã sáng tạo ra những “ổ cá” nhân tạo thả xuống biển, thu hút cá, giữ cá, làm kế sinh nhai.
Cảng Cồn Chà – khi ánh mặt trời lên:
Nghề mành chà là một trong những nét đặc trưng của nghề cá Phan Thiết. Là nơi giao thương buôn bán giữa người bán và người mua. Tấp nập những bước chân của những ngư dân nơi đây, cảng Cồn Chà cứ oằn mình nằm đó. Nó như một ông lão, những dấu vết của thời gian cứ hằn lên nó, tạo nên một vẻ đẹp vừa cũ kỹ vừa trầm mặc của thời gian.

Cảng Cồn Chà có lẽ đẹp nhất là vào tờ mờ sáng. Những chiếc ghe vừa cấp bến, những bà mẹ, những người vợ khắc khoải chờ những mẻ cá tươi, cho kịp bán chợ sáng. Giấc ngủ đêm qua vẫn chưa đủ, những vết chân chim hằn lên đôi mắt người ngư dân tạo họ một sự trải. “Trải” ở đây là họ dành cả đời cho cái nghề truyền thống, theo họ cả cuộc đời. Đó là cái nghề, cái nghiệp mà một ngư dân, một khi quyết định cầm lái, họ sẽ cống hiến hết mình.
Những ánh mặt trời đầu tiên ló ra sau những ánh mây. Kéo theo là những nụ cười rạng rỡ của mọi người. Cá về rồi bà con ơi!



Hy vọng bài viết sẽ cho bạn một cái nhìn khác về cảng Phan Thiết. Nơi giao thương hàng ngày của người dân xứ biển. Những hoạt động đơn giản, chất phác, nhưng là cái chất của người ngư dân!
Ngọc Liên.