Bảo Tàng Hồ Chí Minh, nơi níu giữ lịch sử

Bảo tàng Hồ Chí Minh Phan Thiết là một tên gọi khá gần gũi của Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận. Để dễ phân biệt với Bảo tàng Hồ Chí Minh ở các nơi. Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng luôn là điểm đến rất ý nghĩa không thể thiếu trong danh sách các điểm đến du lịch Phan Thiết của bất cứ du khách nào.

Giới thiệu sơ lược

Đất và người Bình Thuận từng một thời được gắn bó với Hồ Chủ tịch. Và để nhắc nhở thế hệ sau về những dấu ấn lịch sử của Người. Những người con Bình Thuận đã giữ gìn, bảo vệ di tích trường Dục Thanh và đã cho xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh trên mảnh đất Bình Thuận. Hiện đây là hai di tích lịch sử nổi tiếng ở nơi này được nhiều du khách tham quan mỗi khi du lịch Phan Thiết.

  • Trường Dục Thanh – Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận
  • Bảo tàng mở cửa các ngày trong tuần (trừ thứ Hai).
  • Địa chỉ:Số 39 Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
  • Điện thoại: (84.62) 821270; 820629
  • Giá vé thăm quan: miễn phí, du khách đi theo đoàn muốn thuê hướng dẫn viên xin liên lạc tại văn phòng Bảo tàng

bao tang ho chi minh

Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh là các Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận. Trường Dục Thanh là minh chứng lưu lại dấu chân lịch sử của Hồ Chủ tịch trước khi ra đi tìm đường cứu nước

Khu di tích Trường Dục Thanh

Khu di tích trường Dục Thanh tọa lạc tại số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết. Được xây dựng vào năm 1907. Tên gọi Dục Thanh có ý nghĩa “Giáo dục thế hệ Thanh thiếu niên thức dậy ý thức dân tộc”.

Đây là ngôi trường mà Nguyễn Tất Thành (tên thời niên thiếu của Bác Hồ) đã từng dạy học vào năm 1910 trước khi ra đi tìm đường cứu nước tại Bến cảng Nhà Rồng năm 1911. Trường được xây dựng vào năm 1907 bởi Nguyễn Quý Anh, con trai nhà hoạt động yêu nước Nguyễn Thông.

truong duc thanh
Cổng trường Dục Thanh.

Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất Bình Thuận lúc bấy giờ. Mục tiêu của trường là mở mang dân trí, khơi dậy ý thức dân tộc, đi theo phong trào Duy Tân. Đối tượng giảng dạy của trường là con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ.

Thầy Thành (tức Bác Hồ) trong những ngày giảng dạy ở đây đã để lại những tình cảm yêu thương, quyến luyến cho các học sinh, đồng nghiệp, học sinh và nhân dân Bình Thuận. Trước khi là Anh hùng dân tộc, Bác là một người thầy tận tụy, tận tâm truyền bá tư tưởng yêu nước đến mọi người. Truyền cho họ một niềm tin mãnh liệt về một cuộc sống tự do, không còn bị áp bức.

Vào những giờ học ngoại khóa ở trường Dục Thanh hay những lúc rảnh. Nguyễn Tất Thành còn dẫn học sinh của mình du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, Đình làng Đức Nghĩa. Đến tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Đến năm 1912, vì một số lí do nên trường đã bị đóng cửa.

Thời gian qua, ngôi trường nguyên trạng nơi Bác Hồ dạy đã bị hư hại khá nhiều nên đã được trùng tu, phục chế mới. Du khách đến tham quan trường Dục Thanh sẽ thấy được ngôi trường được phục chế từ nguyên bản của ngôi trường cũ (ba dãy bàn ghế, một tấm bảng đen…). Nhà Ngự – nơi các thầy giáo và học trò ăn ở nội trú; Ngọa Du Sào; hai nơi còn lưu giữ được nguyên vẹn là cây khế sau vườn – nơi thầy Thành hay tưới nước cho vườn cây vào những buổi chiều và giếng nước; hồ sen nhỏ trước cổng gợi nhớ về làng Sen quê nội Bác…

bao tang ho chi minh
Bên trong trường Dục Thanh.

Các bạn có thể cảm nhận được phần nào hình ảnh Bác hiện lên, vô cùng giản dị và cần kiệm ở nơi đây. Và có nhiều hiểu biết về cuộc đời Người anh hùng vĩ đại của dân tộc trước khi ra đi tìm đường cứu nước, cống hiến cả cuộc đời cho nước nhà.

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đến ngày 19-5-1986, nhân kỉ niệm 96 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận được khánh thành. Bảo tàng gồm tổng thể các công trình lịch sử, văn hóa như: Khu di tích trường Dục Thanh, nhà Bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tượng đài về Người.

Nhà bảo tàng được xây dựng ngay bên cạnh trường Dục Thanh. Với kiến trúc mới và bên trong giới thiệu đầy đủ về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Bác với nhân dân Bình Thuận cũng như lòng biết ơn và tôn kính của nhân dân Bình Thuận đối với Người.

bao tang ho chi minh

Phía trước bảo tàng Hồ Chí Minh là tượng đài Bác Hồ với các cháu thiếu nhi người dân tộc trong tỉnh. Công trình Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình lịch sử – văn hóa lớn tiêu biểu cho người dân Bình Thuận. Cũng là nơi giáo dục tình cảm yêu nước và truyền thống cách mạng cho con em Bình Thuận.

bao tang ho chi minh
Công viên nhỏ trước bảo tàng.

Khu di tích Trường Dục Thanh – Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta cảm nhận thêm được sự vĩ đại của Hồ Chủ tịch. Cũng như được đến gần hơn chân dung vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc. Trong dòng chảy bất tận của lịch sử, bao nhiêu biến cố, bao nhiêu con người từng in dấu trên vùng đất này nay đã là quá khứ. Dù thời gian có trôi qua thì dấu chân lịch sử vẫn không thể xóa nhòa. Hình ảnh của Người trên mảnh đất Bình Thuận này cũng sẽ không bao giờ mất đi với khu di tích này.

Ngọc Liên tổng hợp, biên soạn

Tin tức liên quan

Back to top button